Nội dung câu hỏi
Cà chua nhà tôi trồng được 30 ngày thì bị xoăn lá không rõ nguyên nhân. Cho tôi hỏi cách xử lý và phòng trừ loại bệnh này.
Nguyễn Thị Thuỷ (23/01/2024 14:32) - huyện Đồng Hỷ
Trả lời
Trả lời:
Bệnh xoăn lá cà chua là một trong những bệnh phổ biến gây hại trên cây cà chua. Bệnh do virus gây ra và hiện chưa có thuốc đặc trị.
Nhận biết: Khi bị bệnh cây thường sinh trưởng và phát triển kém, lá bị biến dạng, nhỏ hẹp và biến vàng từ mép và chóp lá lan vào giữa gân (đặc biệt là lá non). Lá uốn cong lên trên thành hình như cái thìa hoặc lá thường xanh đậm hơn bình thường.
Nguyên nhân: Bệnh do các động vật trung gian mang và truyền bệnh. Các động vật trung gian như rệp (Aphid), bọ phấn trắng (Bemisia tabaci), bọ trĩ (Thrips), một số sâu miệng nhai, bọ cánh cứng và cả con người… Các côn trùng, sâu bọ mang virus từ cây bệnh rồi gieo rắc sang cây khoẻ. Con người gây ra các vết thương cơ giới trên cây lúc trồng và chăm sóc, làm virus thâm nhập cây, hoặc virus có thể lây lan qua dụng cụ làm vườn, qua cành và gốc ghép.
Biện pháp phòng bệnh: Để hạn chế bệnh xoăn lá cà chua, chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp sau:
- Vệ sinh sạch sẽ cỏ dại, tàn dư cây trồng vụ trước, nhất là những cây trồng là ký chủ của virus như cà chua, cây họ bầu bí, khoai tây và một số loại rau (Tránh trồng gần những ruộng đang trồng những cây trồng nêu trên)
- Sử dụng các giống cà chua kháng bệnh, kháng sâu chích hút;
- Vệ sinh tay chân, dụng cụ (dao, kéo) trước và sau mỗi lần cắt tỉa cành;
- Sử dụng nguồn nước sạch để tưới cây;
- Phòng trừ các loại động vật trung gian như rệp, bọ phấn trắng, bọ trĩ… ;
- Bảo vệ cây con trong vườn ươm (trồng cách ly trong nhà màng, nhà kính);
- Hạn chế làm xây xát cây khi trồng và chăm sóc;
- Bón phân cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng;
- Luân canh cây trồng, không trồng liên tục cây rau họ cà (cà chua, cà tím, ớt, khoai tây) nhiều vụ trên cùng một diện tích;
*Hướng dẫn xử lý khi cây bị bệnh:
Khi phát hiện cây bị bệnh, nhanh chóng nhổ bỏ các cây bệnh, rắc vôi bột dưới các gốc cây bệnh đã nhổ; thu gom và tiêu huỷ các cây bị bệnh để hạn chế lây lan bằng các phương pháp:
- Tiêu hủy bằng phương pháp chôn lấp: Kích cỡ hố chôn lấp phải đủ độ rộng, độ sâu cho phù với khối lượng cây bệnh cần tiêu hủy. Sau khi đào hố xong, rải một lớp vôi xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 01 kg vôi bột/m2, cho toàn bộ cây bệnh đã thu gom xuống hố, rắc vôi bột kín trên bề mặt (khoảng cách từ bề mặt đến mặt đất tối thiểu là 0,4- 0,5m) sau đó lấp đất và nện chặt.
- Tiêu hủy bằng phương pháp đốt: Địa điểm đốt đảm bảo an toàn cháy nổ. Xếp nguyên liệu dùng để đốt (củi, vật liệu khô,… ) xuống trước, xếp các cây bệnh đã thu gom lên trên, sau đó tưới xăng hoặc dầu diesel để đốt. Tỷ lệ các nguyên vật liệu khô, xăng hoặc dầu diesel để đốt tiêu hủy có thể điều chỉnh phù hợp với thực tế./.
Huy Hoàng - TTKN
(23/01/2024 14:32)
|
Nội dung câu hỏi
Xin hỏi phương thức trồng lúa theo SRI là gi?
Dương Thị Hải (07/10/2023 07:28) - 1, Lương Phú, Phú Bình, Thái Nguyên
Trả lời
SRI - Hệ thống canh tác lúa cải tiến (System of Rice Intenfisication – SRI) là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới.
SRI dựa trên 5 Nguyên tắc cơ bản:
+Tuổi mạ khi cấy: cấy mạ non, tuổi mạ 2 - 2,5 lá; trường hợp đất phèn, mặn, cáy mạ 4 lá.
+Phương pháp cấy: cấy thưa vuông mắt sàng, 1 dảnh/khóm, cấy nông tay.
+Điều tiết nước: rút nước xen kẽ 3-4 lần/vụ nhất là sau khi bón phân lần đầu; luôn giữ ẩm đất.
+Quản lý cỏ dại: làm cỏ sục bùn ít nhất 2 lần vào 10-12 ngày, và 25-27 ngày sau cấy.
+Quản lý dinh dưỡng: bón theo nhu cầu từng giống đảm bảo cân đối N, P, K; khuyến khích bón phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục.
Tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, có thể áp dụng tất cả 5 nguyên tắc kỹ thuật ngay từ vụ đầu hoặc có thể áp dụng "từng phần" tiến tới "áp dụng toàn phần".
Tại Việt Nam, SRI bắt đầu được triển khai từ năm 2002. SRI đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một tiến bộ kỹ thuật từ năm 2007, được nhiều tỉnh áp dụng rất thành công trên diện rộng như Hà Nội (Hà Tây cũ), Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Nghệ An,...
(07/10/2023 07:52)
|
Nội dung câu hỏi
Dưa chuột nhà tôi bị bệnh phấn trắng, xin hỏi gia đình tôi nên sử lý thế nào?
Nguyễn Thị Tư (07/10/2023 07:26) - Thái Nguyên, phường Túc Duyên, Thái Nguyên, Thái Nguyên
Trả lời
Bệnh phấn trắng ở dưa chuột là do nấm Erysiphe cichoracearum (DC) gây ra. Bào tử vô tính có hình e-líp hoặc hình trứng.
Bệnh phát triển gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, tuy nhiên điều kiện khô hanh lại thuận lợi cho sự phát tán của bào tử nấm bệnh trên đồng rộng. Đặc biệt, bệnh phấn trắng gây hại cả 2 mặt lá, nhưng thường phát sinh gây hại mạnh ở mặt trên. Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống, tàn dư cây bệnh và lan truyền theo gió.
Để phòng trừ bệnh phấn trắng mang lại hiệu quả cao, các hộ nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sau:
1. Chọn giống sạch bệnh, giống có nguồn gốc rõ ràng.
2. Trong canh tác cần nghiêm túc thực hiện:
- Lên luống cao, thoát nước tốt để tránh độ ẩm cao trên ruộng.
- Thực hiện trồng độ mật hợp lý, không quá dày.
- Vệ sinh đồng ruộng, thường xuyên cắt tỉa lá bệnh đem tiêu hủy.
3. Khi xuất hiện bệnh có thể sử dụng luân phiên một trong những loại thuốc như: Antracol, Topsin-M, Amista Top 325SC, Amistar 250SC, Antracol 70WP, Anvin 5SC, Saizole 5SC… phun trải đều trên lá, nếu bệnh nặng có thể phun liên tiếp 2 lần, lần thứ hai cách lần thứ nhất 3-5 ngày tùy theo từng loại thuốc.
*Lưu ý:
Bà con nông dân cần dùng những loại thuốc được phép sự dụng, theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) và đảm bảo thời gian cách ly./.
Đàm Việt Anh - TTKN (07/10/2023 07:51)
|
Nội dung câu hỏi
Tôi có nuôi 2500 con gà đẻ trứng, thời gian gần đây gà nhà tôi đẻ trứng vỏ mềm mỏng, xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng này?
Trần Thị Hương (07/10/2023 07:24) - Tổ 1, Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên
Trả lời
Một quả trứng bình thường vỏ có 02 lớp, lớp ngoài cùng là lớp vỏ cứng, tiếp theo là lớp màng trứng dính sát ngay lớp vỏ cứng, trứng vỏ mềm hay còn được gọi là trứng vỏ lụa là hiện tương dễ gặp khi nuôi gà sinh sản. Thực chất đây là hiện tượng gà đẻ trứng non, khi trứng chưa hình thành đầy đủ lớp vỏ cứng bên ngoài mà mới chỉ có lớp màng trứng bên trong
Nguyên nhân của hiện tượng gà đẻ trứng vỏ lụa
1. Do khẩu phần ăn của gà thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết như Canxi, photpho, vitamin ADE nên không đủ chất để hình thành đầy đủ lớp vỏ cứng bên ngoài.
2. Chuồng trại quá kín, không có ánh nắng chiếu vào khiến gà không hấp thụ được nguồn vitamin D tự nhiên.
3. Do gà mắc một số bệnh khác dẫn đến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, Strees… nên ảnh hưởng đến chất lượng trứng.
4. Do gà đẻ những lứa đầu tiên nên cơ quan sinh sản chưa thực sự ổn định hoặc gà mái già, cơ quan sinh sản đã thoái hóa.
Cách khắc phục.
Để khắc phục tỉnh trạng này chúng ta cần thực hiện tổng hợp các biện pháp sau:
- Luôn đảm bảo bổ sung thêm canxi, photpho, với tỉ lệ vừa phải, không quá cao trong khẩu phần ăn của gà thông qua thực ăn như vỏ sò, vỏ ốc, vỏ trứng xay mịn, đậu tương, bột xương, bột cá…
- Bổ sung các loại vitamin ADE, chất khoáng vi lượng, BCOMPLEX…để tăng cường sức khỏe và khả năng hấp thụ canxin, photpho cho gà.
- Thiết kế chuồng trại thông thoáng, có thể đón ánh nắng vào buổi sớm mai, thiết kế sân chơi để gà có điều kiện sưởi nắng, hấp thụ vitamin D.
- Điều trị hoặc loại thải những gà mái sinh sản ốm yếu, mắc bệnh, gà không có khả năng sinh sản, gà mái già.
Việt Anh - TTKN (07/10/2023 07:50)
|
Nội dung câu hỏi
Tôi xin hỏi đệm lót sinh học là gì? Hiệu quả mang lại ra sao đối với chăn nuôi lợn?
Nguyễn Văn Trọng, xã Phú Lý, huyện Phú lương
Công dân (07/10/2023 07:22) - Thái Nguyên, Thái Nguyên, Thái Nguyên, Thái Nguyên
Trả lời
Đệm lót sinh học là đệm lót chuồng (sử dụng bằng các nguyên liệu như: Trấu, mùn cưa, xơ dừa, lõi ngô, rơm rạ…) được cấy nhóm vi khuẩn (vi sinh vật) có hoạt tính cao, phân giải mạnh các chất thải động vật (phân và nước tiểu) để chuyển hóa thành các chất vô hại (không có mùi). Đồng thời nhóm vi khuẩn lại sử dụng các chất khí thải độc hại như NH3, H2S để sinh trưởng phát triển và ức chế được vi khuẩn có hại (như nhóm vi khuẩn gây bệnh đường ruột E.coli. Salmonella…). Nhóm vi sinh vật này thích ứng tốt trong môi trường có nhiệt độ cao, giữa các vi sinh vật có mối quan hệ cộng sinh, hỗ trợ lẫn nhau để sinh trưởng, duy trì sự ổn định về số lượng và hoạt tính trong thời gian dài ở trong nền đệm lót. Chính vì vậy nhóm vi sinh vật đã tiêu hủy hoàn toàn chất thải, làm giảm thiểu các khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm, giảm vi sinh vật gây hại, do đó con vật sống thoải mái, giảm căng thẳng, có sức đề kháng cao.
Khi sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn sẽ mang lại nhiều hiệu quả như: Có thể tiết kiệm được 80% lượng nước do không dùng nước để rửa chuồng, tắm rửa, nước chỉ dùng để uống và phun tạo độ ẩm cho nền chuồng; giảm được khoảng 60% nhân lực trong việc dọn chuồng, tắm rửa cho lợn, chỉ cần người cho vật nuôi ăn và theo dõi bệnh tật; giảm 10% chi phí thức ăn (nghiên cứu của Học viện Nông Nghiệp Việt Nam). Đặc biệt, trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt đã ức chế, tiêu diệt vi khuẩn có hại đồng thời làm ấm cho gia súc. Hệ thống chuồng nuôi xây dựng đơn giản không tốn nhiều tiền mua nguyên vật liệu, chuồng cần cao ráo thoáng mát, không xây kín mà để hở và thiết kế mái chuồng hai tầng (có thể lợp bằng tấm lợp pro-ximăng hoặc lợp bằng lá) để tạo thông thoáng tối đa. Nguyên liệu để làm là các nguồn chất xơ, mùn cưa, trấu, phôi bào…dễ kiếm, rẻ tiền. Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học tạo được môi trường không khí trong lành, không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cho người dân xung quanh vùng chăn nuôi./.
Việt Anh- TTKN (07/10/2023 07:49)
|
Nội dung câu hỏi
Tôi ở thành phố không có diện tích đất trồng trọt, muốn trồng chanh ở tầng thượng có được không, cách trồng và chăm sóc để chanh ra quả tốt nếu trồng được. Anh Huy – TP Thái Nguyên.
Công dân (07/10/2023 07:19) - Thái Nguyên, Thái Nguyên, Thái Nguyên, Thái Nguyên
Trả lời
Tôi ở thành phố không có diện tích đất trồng trọt, muốn trồng chanh ở tầng thượng có được không, cách trồng và chăm sóc để chanh ra quả tốt nếu trồng được. Anh Huy – TP Thái Nguyên.
Trả lời: Chanh là một loại quả có rất nhiều công dụng từ nấu ăn, làm đẹp và chữa bệnh. Trồng chanh trong chậu hoặc thùng xốp là giải pháp hữu hiệu cho các gia đình ở thành phố không có diện tích đất trồng cây.
1. Thời vụ trồng: Chanh có thể trồng quanh năm, tuy nhiên thời điểm trồng tốt nhất là tháng 2; 3 (vụ Xuân); 8 – 10 (vụ Thu).
2. Chuẩn bị chậu: Cần lựa chọn chậu/ thùng xốp có kích thước lớn hơn 25% so với chùm rễ của cây (đường kính từ 80 – 100cm) và chiều cao trên 50 cm vì rễ chanh ăn sâu khá mạnh. Chậu đất nung sẽ tốt hơn chậu nhựa hoặc thùng xốp vì khả năng thoát nước tốt hơn. Nên thay chậu 2 năm một lần để phù hợp với kích thước của cây, tiến hành thay chậu vào mùa đông.
3. Chuẩn bị cây giống: Cây chanh giống sử dụng phương pháp chiết, ghép, giâm cành sẽ đảm bảo cho cây khoẻ và nhanh cho thu hoạch. Cần lựa chọn mua cây giống từ các trung tâm cấp giống cây trồng uy tín, có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, cây giống khoẻ mạnh, sạch sâu bệnh.
4. Chuẩn bị giá thể: Chanh có thể trồng trên rất nhiều loại đất khác nhau. Nhưng tốt nhất là trồng trên đất thịt tơi xốp và nhiều mùn. Có thể phối trộn đất cùng với phân chuồng hoai mục, xơ dừa, trấu hun theo tỷ lệ (2 đất – 1 phân chuồng – 1 xơ dừa, trấu hun) để đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trộn đều rồi đổ đầy bằng mặt chậu/thùng xốp, phơi nắng 1 tuần trước khi trồng cây. Độ pH từ 5,5 – 7 là thích hợp nhất.
5. Phân bón:
Định kỳ bón thúc cho cây theo từng giai đoạn để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. 3 năm đầu bón định kỳ 2 tháng 1 lần. Lượng bón 0,03 – 0,04kg/lần bón/cây, lượng bón tăng dần theo năm tuổi của cây. Sử dụng phân NPK có hàm lượng đạm và lân cao như NPK 16-16-8-TE; NPK 15-15-8-TE…..
Giai đoạn cây cho quả: Bón phân cho cây 1 tháng một lần vào mùa phát triển (tháng 2; 3 và tháng 8;10). Sử dụng phân NPK có hàm lượng phân đạm lân kali cân bằng như NPK 18-18-18-TE. Khi chanh bắt đầu ra hoa thì bón thêm phân kali đỏ dạng bột cho chanh nhanh đậu quả.
Có thể pha phân vào nước và tưới cho cây hoặc bón xung quanh gốc cây. Bón bổ sung phân bón lá và phân bón vi lượng đặt biệt là sắt, mangan và kẽm để cây phát triển và cho trái tốt hơn.
6. Nước tưới: Chanh là cây trồng có yêu cầu lượng nước tưới trung bình. Nếu cây thiếu hoặc thừa nước đều ảnh hưởng xấu đến khả năng ra hoa, đậu quả của cây. Cần kiểm tra độ ẩm đất trong chậu cây trước khi tưới nước, nếu lớp đất mặt phía trên (5cm đất) khô thì mới cần tưới. Những này nắng nóng và gió sẽ cần tưới nước thường xuyên hơn.
* Lưu ý: Cần kê chậu cây cách biệt khỏi nền để đảm bảo khả năng thoát nước của chậu cây.
7. Chăm sóc cho cây: Chậu trồng cây cần được đặt ở những nơi nhiều ánh nắng và hạn chế gió. Có thể đặt thêm một số chậu cây xanh xung quanh để duy trì độ ẩm cho cây tốt hơn. Tiến hành bấm tỉa tạo tán cho cây, giúp cây phát triển tốt; cắt tỉa các cành mang bệnh hại, cành phát kiểm kém, cành lạ mọc từ thân chính. Khi thay chậu cho cây nên tiến hành tỉa bớt rễ, chanh sẽ nhanh chóng ra hoa kết trái hơn.
* Xử lý cho cây ra hoa, đậu quả: Thời gian tháng 9;10 dừng hẳn việc bón phân, hạn chế tưới nước (chỉ duy trì mức độ ẩm cần thiết để cây không bị khô héo) nhằm hạn chế nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây khoảng 3 - 4 tuần. Cắt tỉa bớt các chồi vượt, các cành già, cành tăm, cành nhỏ mọc trong tán làm cho cây thông thoáng, tạo điều kiện cho các cành hè, cành thu sớm thuần thục. Dùng dụng cụ xới nhẹ đất xung quanh gốc, làm đứt bớt rễ nhằm giúp cây chuẩn bị phân hóa mầm hoa và ra hoa vào đầu năm tới.
Đầu tháng 12 ngừng hẳn tưới nước để tạo khô hạn cho cây khoảng 1 tháng, sau đó bón phân trở lại và tưới đẫm nước trong 2-3 ngày liên tục, cây sẽ ra hoa đồng loạt.
8. Phòng trừ sâu bệnh hại: Cần thường xuyên kiểm tra cây để phát hiện sớm và kịp thời phòng trừ sâu bệnh gây hại. Một số loại sâu bệnh hại thường gặp trên chanh sâu vẽ bùa, sâu đục thân, rệp, nhện; bệnh loét, ghẻ, nứt thân xì mủ…..
Huy Hoàng - TTKN (07/10/2023 07:48)
|
Nội dung câu hỏi
Cây dưa lê đang thời kỳ nuôi quả và chuẩn bị cho thu hoạch, lá cây bị héo vào ban ngày và tươi lại vào ban đêm, sau vài ngày chết hẳn và bệnh ngày một lan rộng. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? - Anh Nguyễn Công Đồng - Dương Thành - Phú Bình.
Bùi Thị Thương (07/10/2023 07:18) - Thái Nguyên, Thái Nguyên, Thái Nguyên, Thái Nguyên
Trả lời
Theo như mô tả, cây dưa lê đã bị bệnh héo rũ chết vàng.
Nguyên nhân: Bệnh do nấm Fusarium oxysporium gây ra. Bệnh này thường gây hại trên cây đã trưởng thành hoặc đang mang quả.
Triệu chứng: ban đầu các lá ngọn bị héo vào buổi trưa và tươi lại vào buổi chiều mát, sau vài ngày cây bệnh chết hẳn không còn khả năng hồi phục. Quan sát cây bị bệnh thấy ở gốc phần sát mặt đất thấy thân cây tóp nhỏ lại và đôi khi có lớp tơ mỏng màu trắng bao phủ. Các lá già khi cây chết có màu vàng và khô.
Bệnh thường xuất hiện nhiều trong điều kiện thời tiết nóng ấm (nhiệt độ 25-30oC); Ruộng đất cát, đất chua, đất úng nước trong mùa mưa, đất trồng cây họ bầu bí vụ trước. Ngoài ra nấm bệnh cũng dễ dàng lây lan qua vết thương cơ giới hay tuyến trùng, côn trùng chích hút rễ cây.
Biện pháp phòng trừ:
Phòng bệnh: Thu dọn sạch tàn dư cây trồng vụ trước; xử lý đất trước khi trồng bằng vôi bột hoặc chất khử trùng đất; làm rãnh thoát nước thật tốt không để bộ rễ úng ngập hay quá ẩm ướt; tăng cường bón phân chuồng hoai mục + nấm đối kháng Trichoderma để hạn chế bệnh lâu dài; trồng luân canh với cây lúa nước hoặc các loại cây trồng khác không ký chủ bệnh này (cây họ bầu bí, cây cà chua, cây ớt…); trồng và chăm sóc đúng quy trình.
Trị bệnh: thường xuyên kiểm tra ruộng dưa lê, nếu phát hiện cây bị bệnh nhanh chóng nhổ bỏ đem đi tiêu hủy, kết hợp bón vôi bột tại nơi cây bị bệnh. Bệnh vàng lá héo vàng do nấm gây hại trên cây đã trưởng thành hoặc đang mang quả, để đảm bảo an toàn cho sản phẩm nên sử dụng một số sản phẩm từ Công nghệ Nano như: Nano đồng, Nano bạc… có tác dụng tăng sức đề kháng và trị được nấm và vi khuẩn.
Bùi Thị Thương -TTKN (07/10/2023 07:48)
|
Nội dung câu hỏi
Ông Nguyễn Văn Lượng, xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ hỏi: các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất và buôn bán cây giống cần phải có những điều kiện gì?
Nguyễn Văn Lượng (07/10/2023 07:17) - Thái Nguyên, Thái Nguyên, Thái Nguyên, Thái Nguyên
Trả lời
Theo Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14, ngày 19/11/2018 và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Xin hướng dẫn một số quy định của pháp luật về sản xuất, buôn bán giống cây trồng tới các tổ chức, cá nhân như sau:
1. Đối với hoạt động sản xuất giống cây trồng
Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng.
b) Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
2. Đối với hoạt động buôn bán giống cây trồng
Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, bao gồm:
2.1. Trước khi buôn bán giống cây trồng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm gửi thông báo qua thư điện tử hoặc gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng các thông tin sau: Địa chỉ giao dịch, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2.2. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, gồm: Thông tin về hợp đồng, hóa đơn mua bán lô giống; hồ sơ chất lượng lô giống, nhãn phù hợp quy định tại mục * ghi nhãn giống cây trồng dưới đây.
Đối với giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm phải có thêm thông tin về nguồn vật liệu nhân giống đã sử dụng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, số lượng cây, thời gian giao nhận cây.
* Ghi nhãn giống cây trồng
Ghi nhãn giống cây trồng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và nội dung ghi nhãn như sau:
a) Tên giống cây trồng.
b) Cấp giống theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia. Trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.
c) Đặc tính của giống bao gồm: Chỉ tiêu bắt buộc gồm chỉ tiêu nêu trong tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở về giá trị canh tác, giá trị sử dụng; chỉ tiêu chất lượng vật liệu nhân giống theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở phù hợp quy định tại Điều 25 của Luật Trồng trọt. Trường hợp sử dụng tiêu chuẩn cơ sở khi chưa có tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phải có đủ thông tin về các chỉ tiêu quy định tại Mẫu số 02.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác; chỉ tiêu tự nguyện khác về giống cây trồng (nếu có).
d) Hướng dẫn bảo quản và sử dụng: Ghi rõ điều kiện bảo quản; phạm vi sử dụng của giống về thời vụ, vùng địa lý, tóm tắt quy trình trồng và chăm sóc (khi có yêu cầu đặc biệt) phù hợp với thông tin trong hồ sơ cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.
đ) Thông tin cảnh báo an toàn (nếu có).
e) Định lượng giống cây trồng (khối lượng giống hoặc số lượng cây, bầu, hom giống).
g) Ngày sản xuất, ngày hết hạn sử dụng; ngày sản xuất cây ghép là ngày ghép; ngày sản xuất cành giống, hom giống là ngày cắt cành giống, hom giống; ngày sản xuất hạt giống, củ giống là ngày thu hoạch; ngày sản xuất của cây giống nhân theo phương pháp nuôi cấy mô là ngày chuyển từ ống nghiệm ra vườn ươm.
h) Tên và địa chỉ của tổ chức sản xuất, nhập khẩu giống cây trồng.
i) Mã số lưu hành giống cây trồng đối với giống cây trồng được cấp quyết định lưu hành, gia hạn quyết định lưu hành.
k) Xuất xứ giống cây trồng: Ghi cụm từ “sản xuất tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất với giống cây trồng nhập khẩu.
l) Mã hiệu lô giống phù hợp với hồ sơ truy xuất nguồn gốc giống cây trồng, mã hiệu lô giống thực hiện theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
m) Thông tin về cây trồng biến đổi gen đối với vật liệu nhân giống của giống cây trồng biến đổi gen.
Trong quá trình thực hiện các hoạt động sản xuất, buôn bán giống cây trồng, nếu các tổ chức, cá nhân thực hiện không đầy đủ, không đúng theo quy định, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật./.
Hoàng Văn Bảy - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
Hoàng Văn Bảy - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (07/10/2023 07:47)
|