MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT TRỒNG CÀ CHUA TRONG NHÀ KÍNH
2020-03-13 00:00:00.0
Cà chua là loại rau ăn quả, ưa sáng, có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Cà chua được trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng thích hợp nhất là đất thịt nhẹ, đất cát pha, nhiều mùn,.. độ pH từ 6- 6,5, nhiệt độ từ 21- 24oc. Hiện nay cà chua chủ yếu được trồng ngoài trời, nên khó chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, năng suất, chất lượng không ổn định đặc biệt trong mùa mưa. Để cà chua sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại, đảm bảo năng suất, chất lượng cao. Các hộ nông dân nên áp dụng một số biện pháp kỹ thuật trồng cà chua trong nhà kính như sau:
1. Thời vụ trồng: Vụ Hè Thu: Gieo hạt tháng 7- 8, trồng tháng 8- 9; vụ Thu Đông: Gieo hạt giữa tháng 9- 10, trồng tháng 11; vụ Đông Xuân: Gieo hạt tháng 11, trồng tháng 12 và sau trồng 2 tháng có thể bắt đầu cho thu hoạch (Nên trồng những giống chuyên dùng trong nhà kính; sau mỗi vụ trồng cần luân canh các loại rau ngắn ngày để hạn chế sâu bệnh gây hại, rồi mới trồng lại vụ sau).
2. Vệ sinh nhà kính: Để cây trồng sinh trưởng tốt, hạn chế tối đa mầm bệnh gây hại thì việc vệ sinh nhà kính trước, trong và sau chu kỳ sản xuất là rất quan trọng. Vì vậy, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định sau:
- Vệ sinh trước khi sản xuất: Làm sạch toàn bộ bên trong, bên ngoài, sàn nhà, tường bao, màng, lưới, nhà cách ly, cỏ dại, rắc vôi bột xung quanh nhà. Sau đó có thể dùng 1 trong các loại thuốc khử trùng như: Ridolmin, Daconil, dung dịch CuSO4 loãng… phun toàn bộ trong nhà,..; ở bên ngoài nhà cần phun Aldrin để trừ kiến, côn trùng (phun thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly) và thiết lập các trạm rửa tay, chân tại lối vào của nhà kính.
- Vệ sinh trong chu kỳ sản xuất: Thường xuyên rửa lưới bao quanh; loại bỏ cỏ dại, tạp chất trong nhà màng và nhà cách ly.
- Vệ sinh sau chu kỳ sản xuất: Sau mỗi chu kỳ sản xuất phải thu dọn, loại bỏ tàn dư cây trồng, mầm sâu bệnh hại từ vụ trước.
3. Chọn giống: Tùy theo mùa vụ gieo trồng để lựa chọn những giống phù hợp và có nguồn gốc rõ dàng.
4. Gieo hạt: Trước khi gieo cần ngâm hạt khoảng 2- 3 giờ trong nước ấm 40- 50oC. Sau khi ngâm cho hạt vào túi vải, bọc giấy để vào chỗ kín, khoảng 2- 3 ngày hạt sẽ nảy mầm; khi hạt nảy mầm cần gieo đều trên khay hoặc gieo trực tiếp xuống đất (mật độ gieo từ 1,5- 2g/m2), sau khi gieo xong rải một lớp tro mỏng bên trên và phủ thêm một lớp rơm mỏng trên cùng để bảo vệ và giữ ẩm cho hạt; sau gieo 30- 40 ngày cây đạt 5- 6 lá là trồng được.
5. Trồng và chăm sóc
5.1. Làm đất: Cần bón vôi trước khi cày lật, sau đó phơi ải 5-7 ngày để đất tơi xốp; trước khi trồng phải được xới xáo lại và bón lót toàn bộ phân chuồng hoai mục đều trên mặt luống khi cầy lại lần cuối; sau đó lên luống cao 18- 20cm, rãnh luống 30- 35cm, mặt luống rộng 1,2m để trồng hàng đôi. Sau khi lên luống xong cần rạch hàng để kết hợp bón lót các loại phân khác và trong trường hợp cần thiết có thể dùng các loại thuốc để phòng trừ bệnh tuyến trùng.
5.2. Mật độ trồng: Nên trồng hàng đôi, mật độ trồng khoảng 900 cây/sào; hàng x hàng = 60cm, cây x cây 40cm theo kiểu nanh sấu; sau trồng 7- 10 ngày cần trồng dặm những cây bị chết; nên trồng vào buổi chiều mát, khi trồng cần đặt cây nhẹ nhàng, tránh vỡ bầu, nén đất vừa phải (nếu trồng cây ghép, không lấp đất cao quá vết ghép). Sau khi trồng phải tưới nước ngay để cây không bị héo và dự phòng khoảng 10% cây cùng tuổi để trồng dặm.
5.3. Lượng phân bón cho 1 sào (360m2): Phân chuồng hoai mục 300kg (hoặc phân hữu cơ VS 550- 700kg) + 30kg vôi bột (hoặc 50- 70kg Donavi) + 0,2- 0,3kg Borat + 13- 15kg đạm urê + 6- 6,5kg supe lân + 15- 17kg ka ly Clorua.
5.4. Cách bón:
- Bón lót toàn bộ phân chuồng, Borat, vôi và 10% đạm, lân, ka ly trước khi trồng 5- 7 ngày;
- Bón thúc lần 1: 20% lượng phân còn lại, sau trồng 10- 15 ngày khi cây bén rễ, hồi xanh;
- Thúc lần 2: 30% lượng phân còn lại, sau trồng 20- 25 ngày (khi cây ra hoa);
- Thúc lần 3: 20% lượng phân còn lại, sau thu hoạch lần thứ nhất;
- Sau đó, cứ 7- 10 ngày lấy khoảng 2kg urê + 2kg Sun phát kaly ngâm vào nước, sau đó hòa loãng tưới vào xung quanh gốc để giúp quả lớn và đẹp.
5.5. Chăm sóc: Khi cây còn nhỏ cần tưới nước 2 lần/ngày, sau đó có thể tưới ngày 1 lần và giảm dần (không tưới ẩm quá hoặc để khô quá), đảm bảo độ ẩm 60- 70%. Khi cây ra hoa cần tưới nước nhiều hơn, đảm bảo độ ẩm 70- 80%.
5.6. Làm giàn: Sau trồng 20 ngày, cây cao khoảng 50cm, dùng cọc dài 1,2- 1,3m cắm thành giàn cho cây leo.
5.7. Tiả chồi, lá, nụ hoa:
- Tỉa bỏ kịp thời những nhánh mới nhú ra, mầm nách, vô hiệu, lá già,.. chỉ để 2 thân chính cho ruộng thông thoáng để dinh dưỡng tập trung nuôi quả; tỉa hết các nhánh phía dưới chùm hoa thứ nhất, mà để 1 nhánh trên chùm hoa thứ nhất (Phải tỉa nhánh đều đặn, không để nhánh quá lớn mới tỉa làm mất dinh dưỡng của cây).
- Mỗi chùm hoa nên để 4- 6 quả, sau đó ngắt bỏ đoạn cuối chùm hoa để dinh dưỡng tập trung nuôi quả, quả lớn đều, giá trị thương phẩm cao; đối với giống dài ngày, cây cao, giai đoạn gần cuối thu hoạch cần bấm ngọn để quả lớn đều, tập trung và kết thúc vụ nhanh.
5.8. Rung hoa, thụ phấn: Vì trong điều kiện nhà kính không có nhiều gió như ngoài tự nhiên, nên việc rung hoa, thụ phấn là rất quan trọng. Vì vậy khi cây ra hoa, vào mỗi buổi sáng (từ 8h30’- 10h30’) thường xuyên phải rung hoa, thụ phấn cho cà chua.
5.9. Phòng trừ sâu bệnh: Do trồng trong nhà kính, nên đã hạn chế tối đa các đối tượng sâu bệnh gây hại (đặc biệt là bệnh Sương mai).
- Sâu Khoang: Thường ăn lá vào thời gian mới trồng, có thể diệt sâu bằng biện pháp thủ công hoặc dùng nhóm thuốc sinh học để diệt trừ như: Catex 1,8EC và 3,6EC.
- Bệnh Xoăn lá, Sương mai: Chỉ phòng trị bệnh từ khi mới trồng đến lúc ra hoa bằng chế phẩm Exin. Khi cây bắt đầu ra hoa, nhờ cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối nên sức đề kháng cao, các bệnh này không làm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, chất lượng cà chua.
Chú ý: Phun thuốc theo đúng nồng độ, liều lượng của nhà sản xuất; nếu quá nồng độ, liều lượng có thể làm cho hoa rụng, lá bị biến dạng,..
6. Thu hoạch và bảo quản:
Khi vỏ quả căng, bóng láng, chuyển từ xanh sang trắng xanh là có thể bắt đầu thu hoạch được, sau khi thu hoạch tiến hành sơ chế, đem đi tiêu thụ hoặc bảo quản trong kho mát./.
Đỗ Anh Dũng- Trung tâm KN tỉnh Thái Nguyên

Đội thi phòng Kế hoạch - Kỹ thuật đạt giải nhất hội thi cắm hoa với chủ đề “Khuyến nông - Hương sắc sứ trà” tại chương trình gặp mặt kỷ niệm 115 năm ngày Quốc tế phụ nữ.jpg

Trung tâm Khuyến nông tổ chức gặp mặt kỷ niệm 115 năm ngày Quốc tế phụ nữ 08.3.jpg

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Hoàng Trung làm Trưởng đoàn khảo sát vùng chè sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.jpg

Tỉnh Thái Nguyên tham gia Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.jpg

Tham quan Mô hình na rải vụ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên.jpg

Mô hình sản xuất nông nghiệp theo tuần hoàn tại huyện Phú Bình.jpg