Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch chè vụ xuân 2020
2020-02-17 00:00:00.0
Thời tiết vụ xuân năm nay diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại có thể diễn biến kéo dài, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy để sản xuất chè an toàn mang lại hiệu quả cao, các hộ nông dân cần lưu ý thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau:

(Hộ nông dân xóm 5- TT Sông Cầu- Đồng Hỷ chăm sóc chè xuân 2020)
1. Về phòng trừ cỏ dại: - Cần phải xới sạch cỏ giữa 2 hàng chè và dùng tay nhổ sạch quanh gốc chè; - Phát quang bụi rậm ở đường lô, ven đồi chè nhằm hạn chế sự trú ngụ và phát sinh, phát triển của sâu bệnh; - Trong sản xuất chè an toàn tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ và các loại thuốc cấm, thuốc không được phép sử dụng ở Việt Nam. 2. Lượng phân, thời gian và cách bón: - Lượng phân bón: Tuỳ theo điều kiện đất đai, năng suất mà bà con bón phân cho phù hợp, năng suất càng cao thì lượng bón càng nhiều. Tỷ lệ bón N:P:K tương ứng là 2:1:1 hoặc 3:1:1; mức bón phổ biến là 30 kg đạm nguyên chất/1 tấn chè búp tươi. Thông thường lượng phân bón cần thiết cho 1 tấn chè búp tươi là: 65 kg đạm Urê, 63 kg Su pe lân và 17 kg Ka ly; Đối với chè kinh doanh ngoài lượng phân bón trên, mỗi ha sau 2- 3 năm cần bón thêm 20- 22 tấn phân hữu cơ ủ hoai mục + 700- 800 kg Su pe lân. - Thời gian bón: Phân hữu cơ nên bón vào cuối năm trước hoặc đầu năm sau; Phân đạm: Lần 1 bón 40% vào tháng 2; lần 2 bón 20% vào tháng 4; Phân lân: Bón 1 lần vào tháng 2; Phân Ka ly: Lần 1 bón 60% vào tháng 2; lần 2 bón 40% vào tháng 4. - Cách bón: Theo nguyên tắc bón sâu; tất cả các loại phân bón trên trước khi bón cần phải trộn đều với nhau; sau đó rạch hàng hoặc cuốc hố theo rìa tán chè phía trên sâu 15- 20 cm, rải phân đều và lấp đất kín. 3. Phòng trừ sâu bệnh hại: - Vụ xuân: Thường mắc bệnh phồng lá chè, rầy xanh, bọ cánh tơ gây hại nên thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bệnh sớm để có biện pháp phòng trừ kịp thời. - Lưu ý: Chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng khi thực sự cần thiết; pha phun thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thời gian cách ly cách ly khi thu hoạch,.. 4. Thu hoạch chè - Hái chè: Là công việc rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng chè các lứa sau. Vì vậy hái chè vụ xuân (hay còn gọi là hái tạo tán) vào lứa tháng 3 chỉ hái những búp đủ tiêu chuẩn. Búp đủ tiêu chuẩn là búp có từ 4- 5 lá thật. Khi trên mặt tán chè có trên 30% số búp đủ tiêu chuẩn thì tiến hành hái san trật. Hái 1 tôm + 2 đến 3 lá non, bớt lại 01 lá cá + 2 lá chừa; riêng lứa tháng 4 những búp có ưu thế sinh trưởng đỉnh chỉ bớt lại 1 lá cá + 1 lá chừa để tạo cho mặt tán chè có độ đồng đều cao, sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định (không hái non quá hoặc già quá). - Lưu ý: Không dùng dao, liềm, kéo,.. cắt chè sẽ làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng chè lứa sau; Những búp mù xòe cần phải bấm ngọn để kích thích quá trình ra mầm mới cho lứa sau; Khi hết vụ xuân có thể dùng dao sắc phớt nhẹ những cành cao trên mặt tán để tán chè có độ đồng đều cao, sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch chè vụ xuân, đề nghị các hộ nông dân sản xuất chè quan tâm, áp dụng, mang lại hiệu quả cao./. Đỗ Anh Dũng - TT Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên

Đội thi phòng Kế hoạch - Kỹ thuật đạt giải nhất hội thi cắm hoa với chủ đề “Khuyến nông - Hương sắc sứ trà” tại chương trình gặp mặt kỷ niệm 115 năm ngày Quốc tế phụ nữ.jpg

Trung tâm Khuyến nông tổ chức gặp mặt kỷ niệm 115 năm ngày Quốc tế phụ nữ 08.3.jpg

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Hoàng Trung làm Trưởng đoàn khảo sát vùng chè sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.jpg

Tỉnh Thái Nguyên tham gia Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.jpg

Tham quan Mô hình na rải vụ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên.jpg

Mô hình sản xuất nông nghiệp theo tuần hoàn tại huyện Phú Bình.jpg