KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY DƯỢC LIỆU (BA KÍCH)
2019-11-06 00:00:00.0
Ba kích là cây thuốc quý, củ có tác dụng bổ trí não, trợ dương, mạnh gân cốt; trị thận hư, di tinh, mộng tinh, liệt dương, lưng gối mỏi, phong thấp, thần kinh suy nhược, mất ngủ, tiểu tiện không tự chủ, tử cung lạnh, kinh nguyệt không đều, ho suyễn, chóng mặt, tiêu chảy, người già mỏi mệt, kém ăn, ít ngủ… Căn cứ vào hợp đồng số: 02/HĐ-TTKN, ngày 10/5/2018 giữa Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai. V/v thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực Miền núi phía bắc, giai đoạn 2018- 2020"; Kế hoạch số 50/KH/TTKN, ngày 15/02/2019 của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên. V/v triển khai “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực miền núi phía Bắc” năm 2019. Được sự nhất trí của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, UBND TP. Sông Công. Năm 2019 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với phòng Kinh tế TP. Sông Công và các ngành, đoàn thể xã Vinh Sơn điều tra, khảo sát, lựa chọn địa điểm, chọn hộ tham gia "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực Miền núi phía bắc, giai đoạn 2018- 2020". Kết quả đã lựa chọn được 18 hộ tham gia với quy mô 5ha tại xóm: Vinh Quang 2, Vinh Quang 3, Tân Sơn và Sơn Tía xã Vinh Sơn, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao cây trung bình 1,5- 2m, tỷ lệ sống đạt trên 92% và hầu như không có sâu bệnh gây hại. Để “mô hình Liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ dược liệu khu vực Miền núi phía bắc, giai đoạn 2018- 2020” sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại hiệu quả cao. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đề nghị các hộ nông dân trong và ngoài mô hình cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật sau: 1. Về thời vụ trồng: Nên trồng vào vụ Đông- Xuân (tháng 2- 3) là tốt nhất; chuẩn bị hố trồng vào tháng 1- 2. Ngoài ra có thể trồng vào vụ Hè- Thu (tháng 8- 9), nhưng tỷ lệ sống không cao bằng vụ Đông- Xuân. 2. Mật độ trồng: Tuỳ thuộc vào phương thức trồng (trồng xen dưới tán hay trồng tâm canh); độ dốc, độ phì, độ dầy của tầng đất và khả năng chăm sóc mà quyết định mật độ trồng cho phù hợp. - Trồng xen dưới tán rừng tự nhiên, rừng trồng: Mật độ 2.000 cây/ha; - Trồng thâm canh: Mật độ trồng 5.000- 6.000 cây/ha; 3. Kỹ thuật trồng: a. Trồng xen dưới tán rừng - Phát dọn thực bì theo rạch hoặc quanh hố với đường kính từ 1- 1,2m và chừa cây lại để làm giá đỡ cho cây leo; - Làm đất: Đào hố kích thước 0,6 x 0,6 x 0,6m, cây cách cây 2m, hàng cách hàng 2,5m; - Lượng phân bón: Mỗi hố bón lót 5- 7 kg phân chuồng hoai mục + 0,2kg supe Lân + 60g hỗn hợp NPK= 5: 10: 3 trộn đều với phân vi sinh Hữu cơ theo tỷ lệ 1: 1, sau đó trộn đều phân bón với đất. - Cách trồng: Trồng vào những ngày râm mát, dùng dao sắc rạch bỏ túi bầu (tránh để vỡ bầu), đặt cây giống vào giữa hố, lấp đất qua cổ rễ, nén chặt hình mui rùa (trồng mỗi hố 1 cây) và dự phòng khoảng 10% số cây để trồng dặm. b. Trồng thâm canh - Phát sạch cỏ dại, thực bì, sau đó đào rạch hoặc cuốc hố; - Làm đất: Nếu đất xấu, khả năng giữ ẩm kém nên đào rạch theo đường đồng mức, hàng cách hàng 2m, rộng 0,5m, sâu 0,5m; khi trồng, cây cách cây 1m. Còn trồng theo hố thì khoảng cách hàng cách hàng 2 m, cây cách cây 1m; hố đào kích cỡ 0,6 x 0,6 x 0,6m, - Lượng phân bón và cách trồng: (Như trồng xen), có thể trồng xen với cây nông nghiệp và dược liệu ngắn ngày như: Kim tiền thảo, địa liền, Lạc, đậu đỗ các loại,… trong năm đầu để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm và hạn chế xói mòn, rửa trôi đất,.. 4. Chăm sóc: - Sau khi trồng xong cần tưới đẫm nước ngay để tránh mất nước cho cây và rễ tiếp xúc với đất được tốt. Sau đó dùng các vật liệu như: Rơm rạ, che phủ cho cây; thường xuyên kiểm tra, phát hiện những cây chết để trồng lại ngay; tưới nước hàng ngày trong khoảng 10- 15 ngày, sau đó giảm dần. Sau khi cây bén rễ, hồi xanh cần định kỳ tưới thúc bằng nước phân chuồng hoai mục hoặc phân đạm hòa loãng vào quanh gốc, kết hợp nhổ cỏ, phá váng, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Khi cây bắt đầu leo, tiến hành cắm cọc tre, gỗ dài từ 1,5- 2m làm giá đỡ cho cây leo trước khi cây có thể bám vào các cây thân gỗ tầng cao. Nếu trồng thuần có thể, làm giàn leo bằng tre, gỗ,.. hoặc trụ cột bê tông và thép 6 ly (bố trí giữa 2 hàng cây, khoảng cách giữa các trụ khoảng 8- 10m). - Trong 2 năm đầu, cần làm cỏ xới đất quanh gốc cây, nhặt cỏ dại và diệt bỏ những cây chèn ép 3- 4 lần/năm sau đó mỗi năm 2- 3 lần. Từ năm thứ 2 trở đi bón bổ sung 3kg phân chuồng hoai mục + 0,3kg NPK và che tủ gốc cẩn thận. Tuỳ theo từng giai đoạn mà điều chỉnh độ tàn che từ 30- 50% cho phù hợp. 5. Phòng trừ sâu bệnh: Ba kích ít khi bị sâu bệnh, có thể bị vàng lá khi thâm canh cao. Cần sử dụng Booc đô nồng độ 0,5% hoặc kết hợp với Benlat 0,1% phun vào gốc và lá để phòng và trị. Ngoài ra thường bị Dế mèn, cào cào, chuột gây hại, cần rắc vôi, đãnh bẫy và các biện pháp thủ công để phòng trừ. 6. Thu hoạch: - Sau 3- 5 năm có thể thu hoạch được, thời vụ thu hoạch vào tháng (10- 11) sau khi quả chín. Khi thu hoạch cần đào rộng, tránh làm sây sát, đứt củ; kết hợp lấy dây thân làm hom giống, đồng thời dùng cuốc lấp kín đất vào gốc cây vừa khai thác để mọc thành bụi mới. - Củ thu hoạch về được phân thành 3 loại: Loại I: Đường kính củ ≥ 1,2cm; loại II: Đường kính củ ≥ 0,8- 1,1cm và loại III: Đường kính củ < 0,8cm. 7. Sơ chế và bảo quản: Củ đào về rửa sạch, loại bỏ rễ con, ủ 18- 24 giờ, phơi nắng nhẹ đến khi phần thịt rễ dẻo lại (2 ngày nắng nhẹ), độ ẩm còn khoảng 50%, đập nhẹ hoặc nén nhẹ cho dẹp phần thịt củ. Không làm nát hoặc bong phần thịt củ ra khỏi lõi gỗ, sau đó tiếp tục phơi cho khô hẳn (độ ẩm không quá 13%), cắt thành đoạn 10-13cm. Đựng trong bao nilông buộc kín, bên ngoài bao tải gai có ghi nhẫn đầy đủ như: Mã số lô, nơi sản xuất và ngày đóng gói. Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu (Ba Kích). Đề nghị bà con nông dân quan tâm, áp dụng để mô hình mang lại hiệu quả cao./. Chúc bà con nông dân thành công !
Đỗ Anh Dũng- TTKN tỉnh Thái Nguyên

Ông Nguyễn Bá Chính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên (thứ ba từ phải sang) tham gia phiên Megalive sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên Tự hào hàng Việt - Thái Nguyên đệ nhất danh trà.jpg

Ông Dương Sơn Hà – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên tham luận tại diễn đàn Thái Nguyên – Trăm năm đệ nhất danh trà.jpg

Đồng chí Nguyễn Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thăm không gian trưng bày, giao lưu văn hóa và thương mại kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quố.jpg

Đồng chí Nguyễn Huy Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cùng các đại biểu tham quan lò đốt sinh khối chất lượng cao.jpg

Đồng chí Hà Trọng Tuấn tham quan mô hình lúa HKT 99 tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ.jpg

Đại biểu tham quan mô hình giống lúa lai HYT116 tại thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ.jpg